Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Xây dựng văn hóa giao tiếp trên mạng xã hội
Lượt xem: 217
Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng Digital Civility Index, do Microsoft công bố nhân dịp ngày quốc tế Safer Internet Day vào tháng 2-2020, Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia có mức độ văn minh trên không gian mạng thấp. Điều này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng giao tiếp trên mạng xã hội (MXH) của nhiều người Việt Nam chưa thực sự văn hóa, cần phải nghiêm túc khắc phục.

Trong suy nghĩ của nhiều người, MXH là thế giới ảo, ẩn danh. Chính vì vậy, một bộ phận "cư dân mạng" không chỉ dễ dãi trong cách ứng xử, giao tiếp với nhau, mà còn coi MXH như một công cụ để tìm hiểu cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi của mình, hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau... Đồng thời kéo theo nhiều "cư dân mạng" bình luận kiểu a dua, tạo thành một cộng đồng nói tục, chửi thề, phát ngôn gây sốc, phát ngôn ngẫu hứng, thể hiện sự kém văn minh trên MXH.

Thực tế, MXH như con dao hai lưỡi, có thể giúp lan tỏa những điều tốt đẹp, nhưng cũng dễ bị lợi dụng gây ra nhiều hệ lụy vì những thông tin sai sự thật. Ví như: Thông tin “ăn vải thiều dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản” đã đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng, tạo nên làn sóng tẩy chay vải thiều gây khốn đốn cho người trồng vải. Hay trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình chống “giặc” Covid-19 thì MXH lại tán phát những thông tin bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 khiến nhân dân lo lắng, hoang mang. Hoặc có những người lợi dụng bằng chứng về hành vi sai trái của một số cán bộ thoái hóa, biến chất, tán phát lên MXH những bình luận kích động, miệt thị, quy chụp theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, tạo kẽ hở cho các đối tượng thù địch nhảy vào bôi nhọ, kích động "cư dân mạng" nhằm gây mất lòng tin, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm xấu hình ảnh con người và đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Sử dụng MXH hình thành nên văn hóa giao tiếp trên mạng là tổng hợp các giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong các mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân. Từ ngàn đời nay, văn hóa giao tiếp theo những quy chuẩn đạo đức, tôn trọng pháp luật, lịch sự trong ứng xử đã làm nên hình ảnh người Việt Nam hiếu khách, nhân hậu, lịch thiệp trong lòng bạn bè quốc tế. Nét đẹp truyền thống văn hóa đó rất cần được cộng đồng MXH người Việt hôm nay chung tay giữ gìn bằng cách nâng cao ý thức, có trách nhiệm với nội dung đăng tải, chia sẻ của mình theo các quy tắc vàng: Đồng cảm, trắc ẩn và tử tế; tôn trọng sự khác biệt, thận trọng suy nghĩ, tránh các công kích cá nhân... Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, giúp mỗi người hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm liên quan đến văn hóa giao tiếp khi tham gia MXH. Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn gắn với tăng cường giáo dục an ninh mạng, an toàn thông tin, kỹ năng ứng phó với các tình huống trên MXH theo nhiều loại đối tượng, lứa tuổi...

Ứng xử văn hóa trên MXH là rất cần thiết, bởi nó không chỉ thể hiện phẩm chất, trình độ của mỗi người tham gia MXH, mà còn thiết thực góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, uy tín con người Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, lan tỏa ra bạn bè quốc tế để biến đó thành sức mạnh cho sự phát triển.